Thanh Hoá có 27 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương gồm: 2 thành phố (Thanh Hóa, Sầm Sơn), 2 thị xã (Bỉm Sơn, Nghi Sơn) và 23 huyện (Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Yên Định, Nông Cống, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát).
1. Vị trí địa lý
Thanh Hoá là một tỉnh lớn của Bắc Trung Bộ có toạ độ địa lý:
- Điểm cực Bắc: 20040’B (tại xã Tam Chung – huyện Quan Hoá)
- Điểm cực Nam: 19018’B (tại xã Hải Thượng – Tĩnh Gia)
- Điểm cực Đông: 106004’Đ (tại xã Nga Điền – Nga Sơn)
- Điểm cực Tây: 104022’Đ (tại chân núi Pu Lang – huyện Quan Hóa)
Thanh Hoá có lãnh thổ rộng lớn: 11.129,48 km2, là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 trong cả nước. Về vị trí địa lý, Thanh Hóa tiếp giáp với các tỉnh và nước bạn như sau:
- Phía Bắc: giáp 3 tỉnh, gồm: Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình với đường ranh giới dài 175 km.
- Phía Nam: giáp Nghệ An với đường ranh giới dài 160 km
- Phía Đông: giáp biển Đông với chiều dài đường bờ biển 102 km.
- Phía Tây: giáp tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào với đường biên giới dài 192 km.
2. Điều kiện tự nhiên
2.1. Địa hình
Địa hình Thanh Hoá khá phức tạp, chia cắt nhiều và thấp dần theo hướng Tây - Đông. Từ phía Tây sang phía Đông có các dải địa hình núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Trong tổng diện tích 11.129,48 km2 thì địa hình núi, trung du chiếm 73,3% ; đồng bằng 16% và vùng ven biển 10,7%.
Có 3 dạng địa hình: núi và trung du; đồng bằng ven biển.
- Địa hình núi có độ cao trung bình 600 -700m, độ dốc trên 250; ở đây có những đỉnh núi cao như Tà Leo (1560 m) ở hữu ngạn sông Chu, Bù Ginh (1291m) ở tả ngạn sông Chu.
- Địa hình trung du có độ cao trung bình 150 – 200m, độ dốc 12 - 200, chủ yếu là các dạng đồi thấp, đỉnh bằng, sườn thoải. Dạng địa hình này rất đặc biệt, chỉ nhấp nhô lượn sóng và rất thoải.
- Đồng bằng châu thổ Thanh Hoá được cấu tạo bởi phù sa hiện đại, trải dài trên một bề mặt rộng hơi nghiêng về phía biển ở mé Đông Nam. Rìa Bắc và Tây Bắc là dải đất cao được cấu tạo bởi phù sa cũ của sông Mã, sông Chu, cao từ 2 - 15m. Trên đồng bằng nhô lên một số đồi núi có độ cao trung bình 200 - 300m được cấu tạo bằng nhiều loại đá khác nhau. Còn vùng ven biển phân bố chủ yếu ở các huyện, thị xã: Sầm Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Trên địa hình này có các vùng sình lầy ở Nga Sơn và các cửa sông Mã, sông Yên…
2.2. Khí hậu
Do sự tác động của các nhân tố: vĩ độ địa lý, quy mô lãnh thổ, vị trí trong hệ thống hoàn lưu gió mùa trong á địa ô gió mùa Trung - Ấn, hướng sơn văn, độ cao và vịnh Bắc Bộ mà Thanh Hoá có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm với mùa hè nóng, mưa nhiều có gió Tây khô nóng; mùa đông lạnh ít mưa có sương giá, sương muối lại có gió mùa Đông Bắc theo xu hướng giảm dần từ biển vào đất liền, từ Bắc xuống Nam. Đôi khi có hiện tượng dông, sương mù, sương muối làm ảnh hưởng không nhỏ tới cây trồng nông nghiệp.
Nhiệt độ không khí trung bình năm là 22 - 23 độ C, song phân hóa rất khác nhau theo từng tháng và giữa các vùng. Chênh lệch về cực trị của nhiệt độ trong năm cũng rất lớn: mùa hè, nhiệt độ tối cao có thể đạt tới 41 độ C, song về mùa đông, nhiệt độ có thể hạ thấp xuống dưới 2 độC ở vùng núi, kèm theo sương giá, sương muối.
3. Dân cư
Theo Niên giám Thống kê Thanh Hóa năm 2014, tỉnh Thanh Hoá có 3.496.600 người, là tỉnh có số dân đông thứ ba trong cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội) và là tỉnh đông dân nhất so với sáu tỉnh Bắc Trung Bộ.
Dân cư phân bố không đồng đều theo các đơn vị hành chính và phân bố không đều giữa đồng bằng và miền đồi núi. Dân cư chủ yếu tập trung đông ở thành phố, thị xã, thị trấn ven biển, ven sông và thưa thớt ở các vùng núi. Theo Niên giám Thống kê năm 2014 Thanh Hóa, tỉnh ta có mật độ dân số là 314 người/km2.
Là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh (Việt) chiếm tỷ lệ lớn nhất (84,4%), người Mường (8,7%), người Thái (6%). Các dân tộc thiểu số khác như Mông, Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa, Thổ... chiếm tỷ lệ không đáng kể (gần 1%). Tính đa dạng về thành phần dân tộc là lợi thế cho sự phát triển văn hóa, du lịch song cũng là những khó khăn cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền trong tỉnh
4. Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng du lịch rất lớn và có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Bờ biển dài trên 100km với nhiều bãi biển đẹp mà nổi tiếng nhất là Sầm Sơn. Ðây là bãi biển phẳng, nước xanh như ngọc tràn ngập ánh nắng với nhiều điểm du lịch phụ cận như đền Ðộc Cước, hòn Trống Mái, chùa Cô Tiên, khu đầm lầy nước mặn Quảng Cư, Quảng Tiên có nhiều chim thú, cây cỏ và hải sản. Hàng năm có hàng triệu du khách tới Sầm Sơn để tắm biển và nghỉ ngơi.
Huyện Nga Sơn sát tỉnh Ninh Bình có động Từ Thức, theo truyền thuyết là nơi Từ Thức gặp tiên. Ðộng có rất nhiều điều kỳ thú do thiên nhiên tạo ra như Ðường lên trời, Kho gạo, Kho khỉ, Chuông... Vườn quốc gia Bến En giáp tỉnh Nghệ An có phong cảnh núi hồ đẹp cùng những cây cổ thụ hàng ngàn tuổi và nhiều động vật quý hiếm.
Ðối với những du khách say mê lịch sử không thể bỏ qua di tích thành nhà Hồ mà kiến trúc của nó làm người ta liên tưởng tới những thành đá ở Ý và Hy Lạp, các di vật của người Việt cổ (Núi Ðọ, Ðông Sơn), khu di tích Lam Kinh. Ngoài ra tới đây du khách sẽ được thưởng thức chiêm ngưỡng những di sản văn hoá Việt Nam bao gồm các trò chơi dân gian, các làn điệu xứ Thanh, các lễ hội và nhiều hoạt động văn hoá khác. Chắc chắn Thanh Hóa sẽ là điểm dừng chân không thể bỏ qua đối với nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.