Logo
  • Điểm đến
  • Danh mục
  • Dịch vụ
  • Tìm đọc theo
Hà Giang

Hà Giang

Hà Giang – Bản tình ca từ đá chào đón du khách bốn phương bởi vẻ đẹp tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng. Mảnh đất địa đầu Tổ Quốc này níu chân du khách bởi những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, sắc hoa cải, hoa đào, hoa mận, hoa tam giác mạch, với bản sắc văn hóa vùng cao.

1. Vị trí địa lý

Hà Giang là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam. Hà Giang có vị trí tiếp giáp: phía Đông giáp với Cao Bằng, phía Tây giáp với Yên Bái, Lào Cai, phía Nam giáp với Tuyên Quang và phía Bắc giáp với Trung Quốc.

Hà Giang có diện tích tự nhiên 7.884,37 km2. Dân số của tỉnh là 854.679 người theo số liệu thống kê 1/4/2019. Đây là vùng đất của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú như Hoa, La Chí, Lô Lô, Mông, Cờ Lao, Pà Thẻn, Dao, Phù Lá,… Toàn tỉnh Hà Giang có 1 thành phố và 10 huyện.

Bản đồ hành chính tỉnh Hà Giang
Bản đồ hành chính tỉnh Hà Giang

2. Điều kiện tự nhiên

2.1. Địa hình

Hà Giang là tỉnh có nhiều ngọn núi cao như đỉnh Tây Côn Lĩnh, ngọn Kiều Liêu Ti. Địa hình tại nơi đây khá phức tạp được chia làm 3 vùng:

  • Vùng cao núi đá phía Bắc nằm sát chí tuyến Bắc còn được gọi là cao nguyên Đồng Văn, gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với 90% diện tích là núi đá vôi, đặc trưng cho địa hình Karst.
  • Vùng cao núi đất phía Tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần. Địa hình khu vực này phổ biến dạng vòm hoặc nửa vòm quả lê, yên ngựa xen kẽ các dạng địa hình dốc, địa hình bị phân cắt nhiều nếp gấp.
  • Vùng núi thấp bao gồm các huyện kéo dài từ Bắc Mê, thành phố Hà Giang qua Vị Xuyên đến Bắc Quang. Địa hình của khu vực này tương đối bằng phẳng rừng già xen kẽ những thung lũng nằm dọc theo sông, suối.

Hà Giang được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho địa hình phong phú, hứa hẹn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn cho du khách.

Địa hình trắc trở, phức tạp của vùng núi Hà Giang
Địa hình trắc trở, phức tạp của vùng núi Hà Giang

2.2. Khí hậu

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và là miền núi cao, khí hậu Hà Giang về cơ bản mang những đặc điểm của vùng núi Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn, song cũng có những đặc điểm riêng, mát và lạnh hơn các tỉnh miền Đông Bắc, nhưng ấm hơn các tỉnh miền Tây Bắc...

Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,6 độ C - 23,9 độ C, biên độ nhiệt trong năm có sự dao động trên 10 độ C và trong ngày cũng từ 6 - 7 độ C. Mùa nóng nhiệt độ cao tuyệt đối lên đến 40 độ C (tháng 6, 7); ngược lại mùa lạnh nhiệt độ thấp tuyệt đối là 2,2 độ C (tháng l).

Khí hậu mùa đông Hà Giang
Mùa lạnh Hà Giang là thời điểm thích hợp để săn tuyết

Chế độ mưa ở Hà Giang khá phong phú. Toàn tỉnh đạt bình quân lượng mưa hàng năm khoảng 2.300 - 2.400 mm, riêng Bắc Quang hơn 4.000 mm, là một trong số trung tâm mưa lớn nhất nước ta. Dao động lượng mưa giữa các vùng, các năm và các tháng trong năm khá lớn. Năm 2001, lượng mưa đo được ở trạm Hà Giang là 2.253,6 mm, Bắc Quang là 4.244 mm, Hoàng Su Phì là 1.337,9 mm... Tháng mưa cao nhất ở Bắc Quang (tháng 6) có thể đạt trên 1.400 mm, trong khi đó lượng mưa tháng 12 ở Hoàng Su Phì là 3,5 mm, ở Bắc Mê là 1,4 mm...

3. Dân cư

Dân số Hà Giang phân bố không đều theo các huyện, mật độ trung bình theo niên giám thống kê 2017 là 105 người/km2, tập trung đông cư dân nhất ở huyện Bắc Quang, Vị xuyên (trên 100.000 người), các huyện vùng cao thì tỷ lệ dân cư tập trung ít hơn như huyện Quản Bạ, Bắc Mê (trên 50.000 người). Tỷ lệ dân số tự nhiên ước đạt 1,54%.

4. Tiềm năng du lịch của Hà Giang

Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thuộc vùng Đông Bắc sinh sống, với 22 dân tộc có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động đã làm Hà Giang trở thành nơi hấp dẫn du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, Hà Giang có cảnh quan môi trường độc đáo của một tỉnh miền núi với những dãy núi cao đá tai mèo ở phía bắc và những cánh rừng bạt ngàn ở phía nam.

Hà Giang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm
Hà Giang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm

Một thế mạnh khác của Hà Giang là việc khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), quan hệ du lịch và thương mại hai chiều nếu được mở ra sẽ góp phần đáng kể và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.