1. GIỚI THIỆU VỀ BOOKING.COM: ỨNG DỤNG BOOKING.COM LÀ GÌ? ĐẶT PHÒNG TRÊN BOOKING CÓ AN TOÀN KHÔNG?
Trước khi Review booking.com, mình sẽ giới thiệu qua về ứng dụng này: Ứng dụng Booking.com là gì? Đặt phòng trên booking.com có an toàn không?
1.1 ỨNG DỤNG BOOKING.COM LÀ GÌ?
Booking.com là một nền tảng cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến. Qua đó, nhà cung cấp chỗ nghỉ (khách sạn, nhà nghỉ, căn hộ) có thể chào bán các sản phẩm và dịch vụ đặt phòng của họ. đồng thời khách hàng có thể sử dụng để thực hiện đặt phòng.
Nói cho dễ hiểu, Booking.com đóng vai trò như một đại lý trung gian kết nối nhà cung cấp và khách hàng (B2B). Khi khách hàng đặt phòng thành công, nhà cung cấp sẽ mất một khoản phí “hoa hồng” cho Booking.com (tùy từng khách sạn).
1.2. CHƯƠNG TRÌNH KHÁCH HÀNG THÂN THIẾT GENIUS
Genius Loyalty Program là chương trình khách hàng thân thiết của Booking.com. Các bạn chỉ cần đặt phòng và lưu trú 1 lần là đã có thể tham gia vào chương trình này rồi.
Một khi đã làm thành viên thì sẽ có thêm rất nhiều ưu đãi khi đặt phòng tương ứng với từng cấp độ. Chương trình này sẽ được chia ra làm 3 cấp độ:
- Cấp độ 1: Giảm 10% trên giá phòng
- Cấp độ 2: Giảm 10% trên giá phòng, Bữa sáng miễn phí, Nâng hạng phòng miễn phí
- Cấp độ 3: Giảm 10% trên giá phòng, Bữa sáng miễn phí, Nâng hạng phòng miễn phí, Ưu tiên hỗ trợ mọi đặt chỗ
2. MỘT SỐ THẮC MẮC VỀ CÁCH SỬ DỤNG BOOKING.COM
Sau đây là một số thắc mắc thường có về cách sử dụng Booking.com:
- Đặt phòng trên Booking.com có an toàn không?
- Đặt phòng trên Booking.com có phải thanh toán trước không
- Booking.com có xuất hóa đơn không?
2.1. ĐẶT PHÒNG TRÊN BOOKING.COM CÓ AN TOÀN KHÔNG?
Đặt phòng trên Booking.com có an toàn không? Đây là băn khoăn của rất nhiều người khi sử dụng Booking.com lần đầu. Câu trả lời của mình là hoàn toàn yên tâm.
Thứ nhất, Booking.com là nền tảng đặt phòng trực tuyến lớn nhất thế giới với mạng lưới khách sạn, nhà nghỉ, resort toàn cầu.
Thứ hai, nhà cung cấp chỗ nghỉ muốn đăng bán phòng đều phải cung cấp giấy tờ cần thiết cho booking.com (thường là chỉ cần giấy tờ chứng minh sở hữu và số điện thoại bàn). Và chỉ được bán phòng khi được Booking.com phê duyệt.
Thứ ba, Booking.com nhận được hoa hồng trên mỗi đặt phòng từ nhà cung cấp (mà hoa hồng này rất cao). Những cái gì mà liên quan đến tiền bạc thì không thể nào mà nhầm lẫn được.
2.2. ĐẶT PHÒNG TRÊN BOOKING.COM CÓ CẦN THANH TOÁN TRƯỚC KHÔNG?
Cái này phụ thuộc vào loại phòng bạn đặt. Nếu phòng cho trả tiền sau (thường là trả tiền tại khách sạn) thì bạn không cần thanh toán trước và cũng không cần thông tin thẻ tín dụng.
Tuy không phải thanh toán trước, nhưng một số khách sạn sẽ khoanh giữ một số tiền trong tài khoản của bạn (Cái này mình vào check tài khoản thì phát hiện ra chứ họ cũng không có thông báo cho mình đâu).
Nếu tài khoản của bạn không có đủ tiền, khách sạn có thể hủy phòng (để ưu tiên khách khác cũng đặt phòng giai đoạn đấy).
2.3. BOOKING.COM CÓ XUẤT HÓA ĐƠN KHÔNG?
Booking.com có xuất hóa đơn không? Đây là băn khoăn của rất nhiều khách, nhất là với khách đi công tác (phải có hóa đơn về nộp cho công ty).
Thì câu trả lời là CÓ. Trên lý thuyết là Booking.com sẽ xuất hóa đơn điện tử trực tiếp cho khách. Nhưng vì nhiều quy định nên Booking.com sẽ không xuất được trực tiếp hoa đơn (vì không phải đơn vị thu tiền trực tiếp của khách). Nếu khách muốn lấy hóa đơn thì sẽ liên hệ trực tiếp với khách sạn.
3. HƯỚNG DẪN CÁCH ĐẶT PHÒNG BOOKING.COM
Sau đây mình sẽ hướng dẫn cách đặt phòng trên Booking.com:
BƯỚC 1: TÌM KIẾM CHỖ NGHỈ
Truy cập vào Booking.com, đánh thông tin vào ô tìm kiếm hoặc search tên khách sạn (trong trường hợp đã chọn được khách sạn) vào thanh tìm kiếm trên Google.
Chú ý là nên tìm kiếm bằng trình duyệt ẩn danh. Tìm kiếm bằng chế độ bản đồ sẽ giúp bạn so sánh giá các khách sạn cùng khu vực.
BƯỚC 2: XEM GIÁ PHÒNG VÀ CÁC THÔNG TIN
Ơ bước này các bạn phải đọc thật kỹ các thông tin hiển thị trên trang, trong đó chú ý đến:
- Cơ sở vật chất của phòng và khách sạn
- Giờ check in và check out
- Review của khách hàng đã từng ở trước đó
- Có bao gồm ăn sáng, gửi đồ miễn phí không
Nhớ là phải đăng nhập vào tài khoản (nếu bạn có tài khoản Genius sẽ được giảm giá). Và cũng nên so sánh giá giữa các nền tảng khác (như Agoda, Trip.com, Traveloka…)
BƯỚC 3: ĐẶT PHÒNG VÀ THANH TOÁN
Kiểm tra lại các thông tin đặt phòng (loại phòng, số lượng phòng, tên). Sau khi đặt phòng thành công sẽ có thông báo gửi về mail của bạn.
Các bạn có thể chọn thanh toán trước hoặc thanh toán tại khách sạn. Thường nếu đi chuyến đi dài tầm 7 ngày trở lên nên thanh toán trước để tránh cầm theo nhiều tiền rắc rối.
BƯỚC 4: GỌI ĐIỆN HOẶC EMAIL ĐẾN KHÁCH SẠN KIỂM TRA XEM NHẬN ĐƯỢC BOOKING CHƯA
Vâng, đây là bước cực kỳ quan trọng. Vì như mình đã nói ở trên, có một số trường hợp khách đã đặt phòng trên Booking.com, nhưng khi đến nơi lễ tân lại báo không nhận được thông tin. Cho nên việc kiểm tra là cực kỳ cần thiết để tránh xảy ra các trường hợp không mong muốn.
BƯỚC 5: SỬ DỤNG DỊCH VỤ
BƯỚC 6: VIẾT ĐÁNH GIÁ
Sau khi sử dụng dịch vụ xong bạn sẽ được quyền đánh giá chỗ nghỉ. Dù chỗ nghỉ có tốt hay không tốt, các bạn cũng nên đánh giá để cho các khách hàng sau này biết.
4. CÁC VẤN ĐỀ PHÁT SINH SAU KHI ĐẶT PHÒNG TRÊN BOOKING.COM
4.1. HỦY ĐẶT PHÒNG TRÊN BOOKING.COM
Booking.com cho phép hủy đặt phòng miễn phí trước thời hạn cho phép. Các bạn chỉ cần đăng nhập vào Booking.com, rồi vào phần Quản lý đặt phòng. Rồi tìm nút hủy đặt phòng là xong.
Tuy nhiên có một số trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện chuyến đi và cũng không hủy được phòng trên hệ thống. Các bạn nên liên hệ trực tiếp cho khách sạn (nhớ cung cấp cho họ các bằng chứng).
Vì liên hệ với CSKH của Booking.com sẽ phải qua thêm một bên lại mất thêm thời gian. Chỉ trong trường hợp nào khó quá mới cần nhờ tới CSKH Booking.com.
4.2. ĐÃ ĐẶT PHÒNG NHƯNG ĐẾN NƠI KHÁCH SẠN LẠI BÁO KHÔNG CÓ PHÒNG
Một số trường hợp khách sạn, nhà nghỉ báo là không nhận được booking của khách từ hệ thống mặc dù khách đã đặt phòng trước đó.
Các bạn nên nhớ là khi khách đặt phòng thành công luôn luôn có email thông báo gửi về cho khách sạn. Trường hợp này thì có 2 nguyên nhân:
- Nhà cung cấp tự ý hủy đặt phòng trên hệ thống để không bị mất hoa hồng cho Booking.com và được giá phòng cao hơn từ khách (thường là vào các ngày lễ để tăng doanh thu)
- Nhân viên khách sạn quên nhập booking vào hệ thống
- Email nhà cung cấp đăng ký với booking.com bị sai.
Trường hợp này thì chỉ có thể trách các bạn không gọi điện hoặc email kiểm tra với khách sạn, tự nhiên lại thành mồi ngon để bị chặt chém. Bạn mình cãi nhau một thôi một hồi cuối cùng cũng phải trả cho khách sạn một cái giá cao gấp đôi (vì hôm đó ngày lễ không tìm được chỗ nào khác).
4.3. XỬ LÝ KHI BỊ CHARGE TIỀN 2 LẦN
Đợt đó mình có ở tại một khách sạn tại Nha Trang và đã thanh toán đầy đủ. Nhưng không hiểu thế nào sau đó 2 tuần lại bị trừ tiền trong thẻ một lần nữa.
Mình liên hệ trực tiếp với khách sạn, thì nhân viên kiểm tra và có trả lời là charge tiền nhầm. Thế là họ chuyển khoản lại luôn cho mình trong ngày hôm đó.
Việc nhận tiền nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào khách sạn (nếu khách sạn lớn sẽ đi qua nhiều bộ phận như đặt phòng, kế toán, có khi cả tổng giám đốc..).
4.4. LIÊN HỆ VỚI AI KHI CÓ VẤN ĐỀ PHÁT SINH
Khi gặp những vấn đề phát sinh, các bạn có thể liên hệ với Booking.com hoặc liên hệ trực tiếp với khách sạn.
Tuy nhiên liên hệ qua booking.com sẽ mất thêm thời gian vì phải làm việc với CSKH của booking.com, rồi các bạn đó sẽ làm việc lần nữa với khách sạn. Vì vậy, nên làm trực tiếp với khách sạn.
4.5. CÁCH LIÊN HỆ CSKH BOOKING.COM
Khi gặp vấn đề liên quan đến đặt phòng, bạn có thể liên hệ với Booking.com bằng 2 cách:
- Trang CSKH của Booking.com: https://secure.booking.com/help.vi.html (Lưu ý nhập chính xác thông tin đặt phòng)
- Thông tin liên lạc ở dưới mỗi booking (trong phần quản lý đặt chỗ) hoặc trong email xác nhận